Quốc lộ 1 (từ Kinh Dương Vương đến ranh Long An) được đề xuất mở rộng lên 10-12 làn xe, vốn 15.897 tỉ đồng, giúp xóa kẹt xe cửa ngõ phía Tây TPHCM.
Chiều 14.11, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các bên về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho 5 dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), áp dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,3 km.
Theo báo cáo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, có hai phương án được đưa ra để mở rộng đoạn Quốc lộ 1 này.
Phương án 1, bao gồm việc mở rộng Quốc lộ 1 thành ba đoạn chính: Đoạn từ cuối nút giao An Lạc đến cuối nút giao Tân Kiên (1,5 km) sẽ cải tạo và mở rộng lên 60 m cho 12 làn xe; đoạn từ cuối nút giao Tân Kiên đến nút giao Vành đai 3 (7 km) mở rộng mặt đường lên 60 m với 12 làn xe; đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Long An (0,8 km) sẽ có quy mô rộng 60 m cho 10 làn xe.
Bên cạnh đó, các hạng mục xây dựng thêm bao gồm cầu vượt tại nút giao đường Đoàn Nguyễn Tuấn, xây thêm nhánh cầu Bình Điền và cầu Bình Thuận, cùng việc cải tạo nút giao An Lạc. Phương án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.897 tỉ đồng.
Phương án 2, đề xuất xây dựng một tuyến đường trên cao dài 4 làn xe, phía dưới là 8 làn xe trên mặt đất. Phương án này đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn với tổng đầu tư 18.477 tỉ đồng, tăng khoảng 2.580 tỉ đồng so với phương án đi bằng.
Qua so sánh hai phương án, đơn vị tư vấn đánh giá phương án 1 có ưu điểm vượt trội nhờ khả năng tận dụng cầu Bình Điền và Bình Thuận hiện hữu, tránh việc phải tháo dỡ, xây lại cầu như trong phương án 2.
Phương án 1, tuy chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn, nhưng chi phí xây dựng rẻ hơn, thi công nhanh chóng hơn và ít phức tạp hơn so với phương án 2 xây dựng đường trên cao.
Sau khi đánh giá các yếu tố chi phí và hiệu quả, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn phương án đi bằng, mở rộng toàn bộ Quốc lộ 1 trên mặt đất.
Trong tổng vốn 15.897 tỉ đồng của phương án này, khoảng 5.462 tỉ đồng sẽ huy động từ nguồn vốn BOT (chiếm 33%), phần còn lại sẽ được bổ sung từ ngân sách nhà nước.
Dự kiến, dự án sẽ triển khai từ năm 2025 đến năm 2028.
Sau khi hoàn thành, đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh được mở rộng lên 10-12 làn xe sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Tây TPHCM, giảm tai nạn và tăng hiệu quả các dự án đang triển khai như: Cao tốc Bắc – Nam, các tuyến Vành đai 2, 3 và 4 TPHCM.